Bối cảnh Chiến tranh Việt-Chiêm (1471)

Từ thời Lê Thái Tông, nhà Hậu Lê đã rất quan tâm tới vùng Hóa châu - biên cương phía nam[2]. Sang thời Lê Nhân Tông, do có sự xâm lấn của Chiêm Thành, triều đình nhiều lần phát binh đánh nước này vào các năm 1444, 1445, 1446. Cuộc tiến công năm 1446 giành thắng lợi lớn, đánh vào kinh thành Chà Bàn (Vijaya), bắt chúa Chiêm Thành là Bí Cai. Tướng Chiêm là Ma Ha Quý Lai đầu hàng trước, được lập làm quốc vương Chiêm mới.

Vào năm 1449, Ma Ha Quý Do bỏ tù Quý Lai và cướp lấy ngôi vua. Quý Do truyền lệnh cho Giáo Nhĩ Mỗ, Bàn Thoa sang triều cống cho triều đình Đại Việt. Hoàng đế Nhân Tông khi đọc tờ biểu thì phán: "Tội giết vua, em giết anh là tội đại ác xưa nay, Trẫm không nhận đồ dâng", do đó không nhận lễ vật.[3] Vào năm 1452, Ma Ha Quý Do được Minh Cảnh đế phong làm chúa Chiêm Thành. Sau đó Quý Do bị Bàn La Trà Duyệt, người ở Thi Nại giết chết và cướp ngôi. Trà Duyệt chết, truyền ngôi cho em là Trà Toàn (Pau Kubah). Trà Toàn được sử sách Việt Nam mô tả là "hung hãn, hoang dâm, bạo ngược".

Trà Toàn bỏ tiến cống nhà Lê, thường xâm lấn biên giới phía nam Đại Việt. Vào tháng 8 âm lịch năm 1470, Trà Toàn sai sứ thần sang cầu viện với nhà Minh, thân hành đem hơn mười vạn quân thủy, quân bộ cùng voi ngựa đến đánh úp Hóa Châu. Viên tướng giữ Hóa Châu là Phạm Văn Hiển đánh nhau với quân Chiêm, không địch nổi, phải đóng cửa thành chống giữ, cho người phi ngựa đem văn thư cáo cấp về kinh đô. Việc này được Đại Việt sử ký toàn thư chép: Tháng 8, quốc vương Chiêm Thành Bàn La Trà Toàn thân hành đem hơn 10 vạn quân thủy bộ cùng voi ngựa đánh úp châu Hóa. Tướng trấn giữ biên thuỳ ở châu Hoá là bọn Phạm Văn Hiển đánh không nổi, phải dồn cả dân vào thành, rồi cho chạy thư cáo cấp.[4]